Đồ lễ dạm ngõ, ăn hỏi và đám cưới của người Việt thường có chữ 'Hỷ' đỏ để thể hiện sự hạnh phúc.
Người Việt Nam thường rất coi trọng lễ cưới hỏi, đặc biệt ở miền Bắc trước đây còn có giai đoạn nếu muốn tổ chức đám cưới phải trải qua 6 nghi lễ (theo tiếng Hán Việt là "lục lễ thành thân"), nhưng hiện nay, đám cưới truyền thống đã được giản lược đi, còn lại 3 nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới Việt là (hay chạm ngõ), ăn hỏi, đón dâu (lễ cưới).> 9 lời khuyên giúp giảm chi phí đám cưới
Theo trình tự thời gian, lễ dạm ngõ (chạm ngõ) sẽ diễn ra trước tiên. Đây là nghi lễ đơn giản nhất trong 3 lễ, mang ý nghĩa là buổi gặp gỡ chính thức của hai gia đình. Nhà trai chuẩn bị trầu cau, hoa quả, bánh kẹo và báo trước cho nhà gái để chọn thời điểm thích hợp đưa lễ vật đến nhà gái để thắp hương, chính thức đặt vấn đề cho đôi uyên ương được tìm hiểu nhau trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Điều đặc biệt cần ghi nhớ trong lễ dạm ngõ là các lễ vật đều phải là số chẵn.
Trong thực tế, đa số các bạn trẻ hiện nay đã quen biết và yêu thương nhau trước khi diễn ra lễ dạm ngõ nên lễ này mang yếu tố tinh thần là chủ yếu. Trong lễ dạm ngõ, gia đình hai nhà cũng sẽ bàn bạc về dự định ăn hỏi, lễ cưới.
Số lượng đồ lễ sẽ tùy thuộc vào nhà gái và tùy thuộc vào từng vùng miền
Sau khi đã hoàn thành việc dạm ngõ, hai nhà sẽ tiếp tục tiến đến nghi lễ quan trọng thứ hai, đó là lễ ăn hỏi. Nghi lễ này được coi như lễ đính hôn trong phong tục truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ.
Đối với miền Bắc, lễ vật nhà trai cần chuẩn bị số lễ là lẻ, bao gồm 5, 7, 9 hay 11 lễ. Còn ở miền Nam lại ngược lại, nhà trai phải chuẩn bị số lễ chẵn. Ở cả hai miền, nhà gái đều là người quyết định số lượng lễ cũng như các vật phẩm trong lễ vật. Thông thường, lễ ăn hỏi sẽ gồm trầu cau, rượu, thuốc lá, chè, mứt sen, bánh cốm, bánh susê, hoa quả, xôi, lợn.
Tại Hà Nội, các gia đình thường đến Hàng Than để đặt lễ vật ăn hỏi trọn gói, hoặc mua bánh cốm, bánh suse ở hiệu Nguyên Ninh, số 11 Hàng Than, mua mứt sen trần ở hiệu Ninh Hương, số 22 Hàng Điếu, hoặc Phương Soát, 75 Hàng Điếu.
Nhiều nhà trai không đặt lễ trọn gói muốn tự chuẩn bị đồ lễ ăn hỏi.
Sau khi tự tay sắm sửa các đồ lễ, nhiều gia đình tự tay đóng lễ vật ăn hỏi, sau đó đem ra hàng bán trầu cau trên phố Hàng Than để đóng lại. Việc tự tay chuẩn bị đồ lễ tuy mất công nhưng nhà trai có thể yên tâm về số lượng cũng như chất lượng từng vật phẩm. Điều đặc biệt cần lưu ý trong lễ ăn hỏi là nhà trai phải chuẩn bị 3 phong bì đựng tiền (gọi là lễ đen), một phong bì dành cho nhà nội cô dâu, một phong bì dành cho nhà ngoại cô dâu và phong bì còn lại để thắp hương trên bàn thờ nhà cô dâu. Số tiền tùy thuộc vào nhà gái.
Vào ngày đẹp đã định sẵn, nhà trai gồm các bô lão trong họ, bố mẹ chú rể và chú rể sẽ mang tráp đến nhà gái, các tráp này sẽ được bưng bê bởi những thanh niên chưa vợ, đồng thời nhà gái cũng phải có số lượng các thiếu nữ chưa chồng tương ứng để đỡ tráp. Khi trao tráp xong, nhà trai sẽ lì xì cho đội đỡ tráp nữ và ngược lại, nhà gái sẽ lì xì cho đội bưng tráp nam, số tiền lì xì tùy thuộc vào hai nhà và nên thống nhất trước. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu thường diện áo dài truyền thống, còn chú rể mặc vest.
Thủ tục ăn hỏi thường tiến hành khi các vị quan khách hai bên đã an tọa, đại diện nhà trai sẽ phát biểu trước, giới thiệu các thành phần tham gia đám hỏi và lý do ăn hỏi để làm thủ tục kết đôi cho đôi uyên ương. Để đáp lễ, đại diện nhà gái sẽ phát biểu tương tự, đồng thời thay mặt gia đình chấp thuận đề nghị của nhà trai và nhận lễ vật. Sau đó, hai bố mẹ của hai nhà sẽ thắp hương báo cáo gia tiên nhà gái. Thủ tục cuối cùng là cô dâu và chú rể ra mắt hai họ, rót nước, mời trầu các vị quan khách.
Trong đám cưới hiện nay, các cô dâu và chú rể sẽ trao nhẫn, vật tượng trưng cho sự gắn bó lâu dài, bền vững
Để kết thúc nghi lễ đám cưới truyền thống, hai nhà sẽ tổ chức lễ đón dâu. Trong ngày giờ đẹp đã được chọn sẵn, chú rể sẽ cùng bố mẹ và đoàn nhà trai tới nhà gái trong trang phục nghiêm chỉnh, mang theo xe hoa, hoa cưới để đón cô dâu về nhà chồng. Cô dâu sẽ diện váy cưới và chú rể diện vest lịch lãm.
Đại diện nhà trai sẽ xin phép gia đình cô dâu được thắp hương trên bàn thờ nhà gái để báo cáo và làm thủ tục đón dâu. Khi đó, bố cô dâu sẽ đưa con gái về nhà chồng, mẹ cô dâu phải ở lại nhà gái theo phong tục cổ truyền. Khi về tới nhà chú rể, đôi uyên ương sẽ thắp hương tại nhà trai, sau đó nghi lễ thành hôn được diễn ra, tùy theo gia đình hai nhà mà tổ chức tiệc ngọt hay tiệc mặn ở khách sạn.
Đặc biệt ở một số vùng miền, bố mẹ chồng không đi đón dâu mà để các bậc cha chú trong họ làm người đại diện. Một số vùng khác còn có phong tiệc cưới hai lần, tùy theo tuổi cô dâu mà xin dâu luôn trong đám ăn hỏi rồi đón cô dâu về nhà ngay trong hôm ăn hỏi. Sáng sớm ngày hôm sau, cô dâu sẽ tự mở cửa ra về lại nhà mình, như thế được coi như một lần xuất giá. Tiếp đến, lễ cưới và đón dâu lần hai sẽ diễn ra như bình thường.
Nhiều cặp đôi muốn tổ chức tiệc cưới cùng bạn bè theo phong cách hiện đại.
Ngày nay, ngoài đám cưới truyền thống, nhiều đôi uyên ương còn chọn một ngày cuối tuần rảnh rỗi để tổ chức tiệc chia vui với bạn bè, mời số lượng hạn chế, trang trí theo phong cách hiện đại. Đây cũng là quan điểm mới mẻ và bữa tiệc trở nên gần gũi, vui vẻ hơn.
Nguồn : thiệp cưới Hồng Huệ - inthiepcuoi.com.vn