Trong buổi chạm ngõ, cô dâu chú rể cần chuẩn bị tinh thần là người gắn kết gia đình hai nhà nhất là trong trường hợp hai bên có xích mích.
Lễ vật chính trong lễ chạm ngõ là trầu cau.
Trong đám cưới truyền thống, trước khi diễn ra lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ phải mang trầu cau tới nhà gái để làm thủ tục chạm ngõ (hay còn gọi là dạm ngõ) để ngỏ lời về mối quan hệ chính thức giữa đôi nam nữ hai nhà. Nghi lễ này xuất hiện ở khắp ba miền của đất nước và đặc biệt được người miền Bắc coi trọng.
* Ý nghĩa buổi lễ:
- Trong buổi chạm ngõ, nhà trai sẽ đến đặt vấn đề chính thức, xin nhà gái cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau.
- Lễ chạm ngõ được coi như buổi gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai nhà và đây cũng là một ứng xử văn hóa, để cha mẹ hai bên tìm hiểu về hoàn cảnh, điều kiện, gia phong của nhau. Từ những hiểu biết, chuyện trò ban đầu này, hai nhà sẽ tiến đến quyết định về hôn nhân của đôi uyên ương.
- Đây là một trong ba nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống. Nếu các gia đình bỏ qua lễ này mà tiến hành luôn lễ ăn hỏi thì mọi người sẽ cảm thấy việc cưới xin bị đường đột, không "có trước có sau".
* Thành phần tham gia:
- Lễ chạm ngõ là buổi lễ nhỏ trong phạm vi gia đình, không cần rườm rà. Thành phần tham dự bao gồm:
+ Nhà trai: Bố mẹ nhà trai, chú rể, người mối lái cho đôi uyên ương (nếu có)
+ Nhà gái: Bố mẹ nhà gái, cô dâu, có thể có thêm người thân ruột thịt trong gia đình tham dự, chứng kiến.
+ Nhà gái: Bố mẹ nhà gái, cô dâu, có thể có thêm người thân ruột thịt trong gia đình tham dự, chứng kiến.
- Những người tham dự diện trang phục lịch sự, trang trọng, không nhất thiết phải mặc vest, áo dài.
* Lễ vật:
- Bởi đây là một buổi gặp gỡ mang ý nghĩ văn hóa nhiều hơn ý nghĩa nghi thức nên nhà trai chỉ cần chuẩn bị trầu, cau, chè có thể thêm hoa quả, bánh kẹo tùy điều kiện. Số lượng mỗi loại lễ vật phải là chẵn, ví dụ hai gói chè, hai chục cau, hai chục lá trầu.
- Khi gia đình nhà gái chấp nhận lễ vật và mang lên bàn thờ thắp hương tổ tiên nghĩa là buổi lễ đã diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Gia đình nhà gái sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị một buổi gặp gỡ chu đáo để đón tiếp nhà trai.
Sau khi đã hiểu rõ về thủ tục cũng như ý nghĩa của lễ chạm ngõ, hai gia đình nên tự thống nhất thời gian với nhau, không nhất thiết phải đi xem ngày xem giờ. Nên chọn những người cuối tuần, mọi người đều rảnh rỗi, thoải mái.
Cô dâu chú rể cũng cần chuẩn bị tinh thần là người gắn kết gia đình hai nhà. Đôi uyên ương cần tìm hiểu một số tính cách, nết ăn ở của hai gia đình và chia sẻ những hiểu biết này với bố mẹ để buổi lễ diễn ra suôn sẻ. Trong trường hợp hai gia đình vốn có xích mích, phải miễn cưỡng chấp nhận cuộc hôn nhân thì đôi uyên ương nên chủ động tìm một người khéo ăn nói, có uy tín trong gia đình đứng lên chủ trì cuộc gặp gỡ, nhằm hàn gắn những bất đồng trước đây.
Nội dung chính của buổi gặp gỡ này, ngoài việc để hai gia đình làm quen, tìm hiểu nhau, thì cũng là dịp để cả hai nhà bàn bạc chuyện hôn nhân trọng đại của đôi uyên ương. Vì thế trước khi buổi lễ diễn ra, hai gia đình nên đi xem ngày lành tháng tốt, tìm hiểu nghi thức lễ cưới và sẽ thống nhất trong ngày chạm ngõ.
Sau khi buổi lễ kết thúc, nhà gái có thể làm cơm thiết đãi nhà trai, để hai nhà có thêm thời gian chuyện trò. Cô dâu chú rể nên chủ động biến buổi chạm ngõ của hai nhà thành dịp gặp gỡ thân tình, vui vẻ để hai gia đình có mối quan hệ thân tình, gắn bó về sau.